bÀi 29 - moon.vn filekhi chí phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của nam...

12
Khóa LUYN THI THPT QUC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY Moon.vn - Học để khẳng định mình 1 Hotline: 0432 99 98 98 BÀI 29 Chuyên đề: LUYN THI THPT QUC GIA MÔN NGVĂN CHÍ PHÈO (Nam Cao) I. TÌM HIU CHUNG 1. Đề tài - Người nông dân nghèo trước Cách mng. Đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Trước Nam Cao đã có Ngô Tt Tố, Vũ Trọng Phng, Nguyễn Công Hoan… khai thác đề tài này. - Song, theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh: Khi “Tắt đèn” của Ngô Tt Tvà “Bước đường cùng” ca Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng, thân phận người nông dân dưới ách đế quc, phong kiến li có thcó mt ni khnào hơn những ni khca chDậu, anh Pha. Nhưng khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra tnhng trang sách của Nam Cao, thì người ta lin nhn ra rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ nhng gì gi là khn kh, ti nhc nht của người dân cùng một nước thuộc địa: bgiày đạp, bcào xé, bhy hoi tnhân tính đến nhân hình. 2. Nhan đề - Ban đầu có tên là Cái lò gạch cũ slun qun bế tc, gn vi hình nh Chí Phèo. Cai lò gạch cũ như là biểu tượng vsxut hin tt yếu ca hiện tượng Chí Phèo, gn lin vi tuyến chđề chính ca tác phm. - Năm 1941, khi in thành sách, nhà xuất bn tý đổi thành Đôi lứa xứng đôi hướng schú ý vào Chí Phèo và ThN- mt con qucủa làng Vũ Đại và mt mđàn bà xấu “ma chê quỉ hờn”. Nhan đề này git gân, gây stò mò, nhằm đánh vào thị hiếu ca lp công chúng by gi. - Năm 1946, khi in lại trong tp Lung cày, tác giđặt tên li là Chí Phèo - cái tên hợp lí, đúng đắn nht. 3. Tóm tt ct truyn II. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN 1. Hình tượng nhân vt Chí Phèo 1.1. Chí Phèo - người nông dân lương thiện - Tui ấu thơ: Chí là đứa con hoang, bbrơi nơi cái lò gạch bhoang nơi vắng người qua li, là vật cho không như món hàng trao từ tay người này sang tay người khác, ln lên trong cảnh bơ vơ: không cha mẹ, không người thân, không tấc đất cắm dùi… sống ti nghip, vất vưởng, khn cùng. - Năm 20 tuổi: Chí làm canh điền cho lí Kiến + Khomnh, chu khó, hiền lành như đất. + Uớc mơ: có một gia đình nho nhỏ… - ước mơ hạnh phúc bình dcủa người dân nghèo.

Upload: others

Post on 02-Sep-2019

14 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

Page 1: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 1 Hotline: 0432 99 98 98

BÀI 29

Chuyên đề: LUYỆN THI THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

CHÍ PHÈO

(Nam Cao)

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Đề tài

- Người nông dân nghèo trước Cách mạng.

Đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Trước Nam Cao đã có

Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… khai thác đề tài này.

- Song, theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh: Khi “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng”

của Nguyễn Công Hoan ra đời, tôi chắc ít ai nghĩ rằng, thân phận người nông dân dưới ách đế

quốc, phong kiến lại có thể có một nỗi khổ nào hơn những nỗi khổ của chị Dậu, anh Pha. Nhưng

khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra

rằng, đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cùng ở

một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình.

2. Nhan đề

- Ban đầu có tên là Cái lò gạch cũ sự luẩn quẩn bế tắc, gắn với hình ảnh Chí Phèo. Cai lò

gạch cũ như là biểu tượng về sự xuất hiện tất yếu của hiện tượng Chí Phèo, gắn liền với tuyến chủ

đề chính của tác phẩm.

- Năm 1941, khi in thành sách, nhà xuất bản tự ý đổi thành Đôi lứa xứng đôi hướng sự chú ý

vào Chí Phèo và Thị Nở - một con quỉ của làng Vũ Đại và một mụ đàn bà xấu “ma chê quỉ hờn”.

Nhan đề này giật gân, gây sự tò mò, nhằm đánh vào thị hiếu của lớp công chúng bấy giờ.

- Năm 1946, khi in lại trong tập Luống cày, tác giả đặt tên lại là Chí Phèo - cái tên hợp lí, đúng

đắn nhất.

3. Tóm tắt cốt truyện

II. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Hình tượng nhân vật Chí Phèo

1.1. Chí Phèo - người nông dân lương thiện

- Tuổi ấu thơ: Chí là đứa con hoang, bị bỏ rơi nơi cái lò gạch bỏ hoang nơi vắng người qua lại,

là vật cho không như món hàng trao từ tay người này sang tay người khác, lớn lên trong cảnh bơ

vơ: không cha mẹ, không người thân, không tấc đất cắm dùi… sống tội nghiệp, vất vưởng, khốn

cùng.

- Năm 20 tuổi: Chí làm canh điền cho lí Kiến

+ Khoẻ mạnh, chịu khó, hiền lành như đất.

+ Uớc mơ: có một gia đình nho nhỏ… - ước mơ hạnh phúc bình dị của người dân nghèo.

Page 2: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 2 Hotline: 0432 99 98 98

+ Khi bóp chân cho bà Ba vợ lí Kiến: chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì, run run sợ hãi, uất ức

chịu đựng con người có lòng tự trọng.

Tuy cảnh ngộ đặc biệt éo le, đáng thương, bất hạnh nhưng hiền lành chăm chỉ, trong sáng,

giàu tự trọng, luôn ý thức được nhân phẩm. Nam Cao đã khẳng định bản chất của người nông

dân lương thiện.

1.2. Chí Phèo – kẻ lưu manh, “con quỉ dữ”

- Vì ghen tuông vô cớ, bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Nhà tù thực dân tiếp tay cho địa chủ phong

kiến, biến một người nông dân lương thiện thành một thằng lưu manh, một con quỉ dữ ở làng Vũ

Đại. Chí biến đổi cả về nhân hình và nhân tính…

- Nhân hình: Trông đặc như thằng săng đá: Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, mặt thì

đen mà cứ c¬ng c¬ng, mắt gườm gườm, ngực đầy những nét chạm trổ rồng phượng - vằn ngang vằn

dọc sẹo. Hai lần Nam Cao phải thốt lên “Trông gớm chết!”.

Bút pháp tả thực cùng với những từ ngữ giàu giá trị tạo hình đã giúp nhà văn khắc tạc ngoại hình

của một tên lưu manh dữ dằn, gớm ghiếc, méo mó, xấu xa, biến dạng, mang hình hài của con vật lạ.

- Nhân tính:

+ Sống bất cần, không mơ ước, không suy nghĩ (không biết mình là ai, bao nhiêu tuổi, quá khứ

của mình ra sao), không còn biết nhục như trước, tâm hồn Chí chai lì, trơ sạn vì tội ác. Nhà thù

thực dân phong kiến đã hủy hoại tâm hồn Chí Phèo.

+ Hành động:

Phá phách cuộc sống yên vui của dân làng: Uống rượu say khướt, không trả tiền, còn định

đốt quán, gây sự, chửi tục, đập đầu ăn vạ (ý thức phản kháng liều lĩnh).

Hai lần đến nhà bá Kiến (xin tiền, xin đi ở tù).

Lần thứ nhất: Ra tù, nơi đầu tiên Chí đến là nhà bá Kiến. Chí đến với bộ dạng say khướt, gọi

tên tục của bá Kiến ra mà chửi. Chí đến với ý định trả thù, đòi lại cuộc đời. Kết quả: Chí đã bị

bá Kiến mua chuộc dễ dàng.

Lần thứ hai: Chí Phèo đến nhà bá Kiến đòi đi ở tù, với lời đe dọa phải đâm chết dăm ba

thằng… Kết quả: bá Kiến đã kích động, lợi dụng và sai Chí Phèo đi đòi nợ Đội Tảo.

Từ một kẻ lưu manh, Chí Phèo biến thành tay sai đắc lực cho bá Kiến, gieo bao đau khổ

cho dân làng (Phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh

phúc, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người lương thiện). Chí Phèo biến thành

con quỉ dữ của làng Vũ Đại và hành động của hắn là theo bản năng của một con quỉ dữ.

+ Ngôn ngữ: Chí Phèo giao tiếp, đối thoại với cuộc đời bằng tiếng chửi (đoạn mở đầu truyện).

Chí Phèo chửi vì hắn say rượu. Hành động chửi đã thành qui luật thường kì: “Bao giờ cũng thế,

cứ rượu xong là hắn chửi.”

Phạm vi tiếng chửi hẹp dần: trời - đời - cả làng Vũ Đại - cha đứa nào không chửi nhau với

hắn - đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn.

Với Chí Phèo, chửi chính là một cách giao tiếp, một biểu hiện của niềm khát khao được hòa

nhập với cộng đồng. Tuy nhiên không ai lên tiếng đáp lại hắn, điều đó chứng tỏ Chí đã bị loại ra

khỏi cuộc sống của làng Vũ Đại, cuộc sống của loài người.

Page 3: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 3 Hotline: 0432 99 98 98

Ngôn ngữ trong đoạn truyện này là thứ ngôn ngữ nửa trực tiếp. Chúng ta bắt gặp ở đó cả lời

của nhân vật, cả lời của dân làng Vũ Đại và cả lời của tác giả. Đáng chú ý là nhiều lúc, Nam Cao

như nhập vào nhân vật để viết (Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!...). Điều

đó chứng tỏ nhà văn rất mực cảm thông, yêu thương, thấu hiểu nhân vật của mình.

Diễn tả tâm trạng bất mãn của con người bị xã hội gạt ra khỏi cộng đồng. Tiếng chửi chính

là phản ứng của Chí Phèo với cuộc đời. Mặt khác bộc lộ sự bất lực, bế tắc, sự cô đơn tột độ của

Chí giữa làng quê, giữa mọi người.

Tác giả như nhập thân vào nhân vật hiện thực tâm trạng Chí Phèo sự thấu hiểu, đồng cảm

của Nam Cao.

Chí Phèo không chỉ bị bần cùng hoá mà còn bị tha hoá nghiêm trọng.

Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng

đè nén, áp bức của nông thôn trước Cách mạng.

Sức mạnh tố cáo, giá trị hiện thực mới mẻ, độc đáo: chính bá Kiến và nhà tù thực dân đã

huỷ diệt nhân hình lẫn nhân tính của Chí, biến con người lương thiện thành kẻ lưu manh, thành

con quỉ dữ.

2.3. Chí Phèo - bi kịch của người sinh ra là người nhưng không được làm người

a) Cuộc gặp gỡ Chí Phèo - Thị Nở

Cuộc gặp gỡ với thị Nở và sự yêu thương chăm sóc chân thành của thị đã đánh thức tính người

trong Chí.

- Cảm nhận cuộc sống đời thường:

+ Phân biệt được ánh nắng bên ngoài và bóng tối trong lều (Mặt trời chắc đã lên cao, và nắng

bên ngoài chắc là rực rỡ. (…) Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn mới chỉ hơi lờ mờ.)

+ Nghe thấy những âm thanh bình dị: tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng anh thuyền chài

gõ mái chèo đuổi cá, tiếng chim hót.

+ Nhớ lại quá khứ xa xôi với ước mơ đời thường, giản dị (Hình như có một thời hắn đã ao ước

có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…).

+ Nghĩ đến hiện tại, cảm nhận sâu sắc tình cảnh cô độc của mình. (Tỉnh dậy hắn thấy hắn già

mà vẫn còn cô độc. (…) Hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời.).

+ Lo lắng cho tương lai cô độc, tuổi già, đau ốm (Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi

già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.).

+ Tâm trạng xuyên suốt mọi suy nghĩ của Chí Phèo là tâm trạng buồn (lòng mơ hồ buồn, Chao

ôi là buồn!, nao nao buồn, Buồn thay cho đời).

Đoạn văn được viết bằng giọng điệu trữ tình tha thiết đã khắc họa rõ nét sự hồi sinh của tâm

hồn người trong con quỉ dữ của làng Vũ Đại. Lần đầu tiên Chí đối diện với cuộc đời của chính

mình. Tâm lí diễn biến của một người say chợt tỉnh như Chí Phèo thật tự nhiên, hợp lí, tinh tế.

+ Một cách tự nhiên, suy nghĩ của Chí Phèo lại hướng về thị Nở, khi thị bước vào lều với bát

cháo hành. Chí ngạc nhiên vì chưa bao giờ được ai tự nguyện cho cái gì cả, hắn muốn có thì toàn

phải cướp giật.

Page 4: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 4 Hotline: 0432 99 98 98

+ Cảm động, mắt hình như ươn ướt. Tính người đã được hồi sinh ở Chí. Có thể nói lúc này Chí

đã trở lại đúng bản chất của mình - anh canh diền lương thiện năm xưa.

+ Ăn năn, hối hận (Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn.).

+ Có phần tủi phận khi Chí nghĩ Có ai nấu cho mà ăn đâu? […] Đời hắn chưa bao giờ được

săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Rồi hai tiếng “đàn bà” khiến hắn nhớ đến bà ba vợ bá Kiến…

Không đơn thuần là sự hồi cố về quá khứ, lúc này nhớ về bà ba, trong Chí trở lại suy nghĩ chỉ thấy

nhục, chứ yêu đương gì, điều đó chứng tỏ lòng tự trọng cũng đã sống lại trong hắn.

+ Vui, khát khao được trở lại cuộc sống lương thiện, mong muốn sống chung cùng thị Nở -

người đàn bà đích thực, đối lập với bà Ba vợ bá Kiến: thèm lương thiện, muốn làm hoà với mọi

người biết bao, hi vọng thị sẽ mở đường cho hắn. Bản chất lương thiện không bị chôn vùi. Bát

cháo hành hay chính xác hơn là “lòng tốt bình thường” của thị Nở đã thức tỉnh bản chất lương

thiện lâu nay bị vùi lấp trong Chí. Chi tiết bát cháo hành thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của,

đồng thời thông qua đây, người đọc cũng được chứng kiến tài năng nghệ thuật miêu tả, phân tích

tâm lí nhân vật của Nam Cao.

Chỉ có tình người mới cứu được tính người. Nam Cao đã trân trọng tình người đáng quí, đề

cao tình cảm giữa con người với con người, khẳng định bản chất tốt đẹp của người nông dân. Đây

chính là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

b) Bi kịch bị từ chối quyền làm người và kết cục bi thảm

* Bi kịch bị từ chối quyền làm người:

- Bà cô thị Nở - người phát ngôn cho thành kiến xã hội - không cho phép thị Nở lấy một người

chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Trong mắt người bà cô và dân làng Vũ Đại, Chí Phèo chỉ có thể

là quỉ dữ, không thể là người, không xứng đôi với thị Nở.

Thị Nở nghe lời bà cô từ chối sống chung với Chí Phèo. Bà cô thị Nở đại diện cho thành kiến -

rào cản của xã hội phong kiến - đã ngăn trở không cho Chí Phèo hoà nhập lại với cuộc sống cộng

đồng. Chí Phèo thua thiệt đến thảm hại, bi đát, đau đớn, tuyệt vọng đến cùng cực.

- Nhà văn đã để nhân vật có những khoảnh khắc tâm trạng thật khó quên:

+ Đầu tiên, Chí Phèo ngạc nhiên, thích chí trước cử chỉ tức giận của thị (Hắn thú vị quá, lắc lư

cái đầu cười.).

+ Hiểu rõ sự thật, Chí ngẩn ra, sửng sốt, không nói nên lời (Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như

hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người.).

+ Đuổi theo níu lại, nắm lấy tay thị và bị giúi đẩy, lăn khoèo xuống sân bị từ chối quyết liệt.

+ Chí đau khổ, uống rượu. Nhưng càng uống hắn càng tỉnh, càng ý thức rõ về bi kịch cuộc đời

mình.

+ Hắn thoảng thấy hơi cháo hành Hơi cháo hành cứ lẫn cùng men rượu. Chi tiết này được

nhắc lại nhiều lần, tô đậm những khát khao yêu thương và bi kịch của Chí.

+ Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Chí khóc vì bàng hoàng, vì đau đớn đến ê chề. Chỗ dựa cuối

cùng để Chí có thể đứng vững trên hành trình trở lại cõi người giờ không còn nữa. Chưa khi nào

Chí lại phải đối diện với bi kịch của mình như thế.

* Kết cục bi thảm:

Page 5: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 5 Hotline: 0432 99 98 98

- Trong khủng hoảng và bế tắc, Chí thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi của mình cả bộ mặt

và linh hồn con người Chí là bá Kiến. Chí Phèo dự định đến nhà thị Nở để trả thù (suy nghĩ của kẻ

say) nhưng bước chân lại đưa đến nhà Bá Kiến (hành động của người tỉnh).

- Những câu nói của Chí trước mặt bá Kiến (những câu nói cuối cùng) chủ yếu được diễn đạt

dưới hình thức câu hỏi và cảm thán tâm trạng cực kì phẫn uất và bế tắc của Chí Phèo trước kẻ thù,

thể hiện bản chất người tốt đẹp, hướng thiện của con quỉ làng Vũ Đại, thể hiện bi kịch đỉnh điểm

của Chí.

- Hành động đâm bá Kiến và tự kết liễu đời mình:

+ Giết bá Kiến là hành động tất yếu của Chí. Muốn trả thù kẻ đã tàn hại cuộc đời mình, muốn đòi

lại bản chất lương thiện của mình.

+ Hành động tự vẫn của Chí Phèo cũng là hành động tất yếu. Chí không thể trở lại làm người

lương thiện được nữa vì làng Vũ Đại không một ai rộng lòng dang tay đón hắn trở về. Nhưng lựa

chọn cái chết, tức là Chí Phèo đã được sống, được trở lại nguyên vẹn với bản chất lương thiện

trong con người mình

- Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo:

+ Đó là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống vùng lên, tuy

manh động, tự phát, liều lĩnh, tuyệt vọng nhưng không phải là hành động lưu manh.

+ Cái chết của Chí đáng thương, là lời tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người

nông dân vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa, đẩy họ tới cái chết bi thảm. Xã hội ấy

không có chỗ cho người lầm lạc trở về cuộc sống lương thiện.

+ Thể hiện quan niệm hiện thực nhạy bén của Nam Cao: tình trạng xung đột giai cấp ở nông

thôn Việt Nam hết sức gay gắt, quyết liệt, không thể xoa dịu được, chỉ có thể được giải quyết bằng

những biện pháp quyết liệt.

- Môi trường sống thiếu tình thương của làng Vũ Đại đã đẩy Chí Phèo dấn sâu vào con đường

lưu manh hóa. Cánh cửa tình thương duy nhất – thị Nở, vừa hé mở đã đóng sập lại, Chí Phèo bị cự

tuyệt hoàn toàn và sự bế tắc đã lên đến đỉnh điểm, dẫn tới sự bừng ngộ ngẫu nhiên mà tất yếu, dẫn

tới kết cục bi thảm. Môi trường sống có thể cứu vớt/vùi lấp con người.

- Chí Phèo không phải là hiện tượng cá biệt mà là hình tượng điển hình có tính phổ biến trong

xã hội bấy giờ.

Chi tiết cuối truyện (Thị Nở nhìn xuống bụng, nghĩ đến cái lò gạch) chứng tỏ hiện tượng Chí

Phèo chưa thể hết. Những câu nói của dân làng Vũ Đại cho thấy chừng nào còn những kẻ như bá

Kiến, chừng đó còn Chí Phèo. Đó là hiện tượng có tính qui luật. Do vậy, sức mạnh phê phán, ý

nghĩa điển hình của hình tượng nhân vật mạnh mẽ, sâu sắc hơn. Chí Phèo là điển hình bất hủ trong

sáng tác của Nam Cao.

2. Giá trị của tác phẩm

2.1. Giá trị hiện thực

Thông qua cuộc đời, số phận của Chí Phèo, Nam Cao đã phản ánh tình trạng một bộ phận

nông dân bị tha hoá, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ, giữa các thế lực ác bá ở địa phương.

2.2. Giá trị nhân đạo

- Bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc trước cảnh người nông dân cố cùng bị lăng nhục.

Page 6: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 6 Hotline: 0432 99 98 98

- Phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay khi tưởng như họ bị biến

thành thú dữ.

- Niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.

Giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

III. TỔNG KẾT

1. Nghệ thuật

- Xây dựng nhân vật điển hình vừa có ý nghĩa tiêu biểu vừa sống động, có cá tính độc đáo và

nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo.

- Kết cấu truyện mới mẻ, tưởng như tự do nhưng lại rất chặt chẽ, logic.

- Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hoá giàu kịch tính.

- Ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện lại vừa gần gũi, tự nhiên; giọng điệu đan xen biến hoá,

trần thuật linh hoạt.

2. Nội dung

Tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo đã cướp đi cả nhân hình và nhân tính của

người nông dân lương thiện đồng thời nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con

người ngay cả khi tưởng như họ đã bị biến thành quỉ dữ.

Bài tập:

I. ĐỌC - HIỂU

ĐỀ 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có

hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng

chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ:

“Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được

mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều.

Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra

thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa

chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã

đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả

làng Vũ Đại cũng không ai biết…

(Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.146)

Câu 1. Xác định vị trí của đoạn trích trong tác phẩm Chí Phèo. Nêu đề tài, chủ đề của tác

phẩm. Kể tên một số sáng tác của nhà văn có cùng đề tài với tác phẩm chứa đựng đoạn trích trên.

Câu 2. Chí Phèo chửi những ai? Có ai đáp lại tiếng chửi của Chí không? Tiếng chửi của nhân

vật thể hiện điều gì?

Câu 3. Nhận xét về ngôn ngữ của đoạn trích.

Câu 4. Xác định giọng điệu của lời văn trong đoạn trích.

Câu 5. Theo anh/chị, ai đã đẻ ra Chí Phèo?

Câu 6. Nêu cảm nhận của anh/chị về tiếng chửi của Chí Phèo.

Page 7: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 7 Hotline: 0432 99 98 98

ĐỀ 2. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống

sân. Đã lăn ra thì hắn phải kêu: bao giờ chả thế. Hắn nhặt một hòn gạch vỡ, toan đập đầu. Nhưng

hình như hắn chưa thật say. Vì hắn nghĩ: đập đầu ở đây chỉ thiệt; đập đầu ở đây, để mà nằm ăn vạ

ai? Hắn tự phải đến cái nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già

nhà nó. Nếu không đâm được, lúc ấy hãy đập đầu ra kêu làng. Muốn đập đầu, phải uống thật say.

Không có rượu, lấy gì làm máu cho nó chảy! Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức

quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang

thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi lại uống. Rồi lại uống. Hắn uống đến

say mềm người rồi hắn đi. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Hắn lảm nhảm: “Tao phải đâm

chết nó! Tao phải đâm chết nó!”. Nhưng hắn lại cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn quên rẽ

vào nhà thị Nở? Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc

ra đi chúng định làm.

Trời nắng lắm, nên đường vắng. Hắn cứ đi, cứ chửi, cứ dọa giết “nó”, và cứ đi. Bây giờ đến

ngõ nhà cụ bá. Hắn xông đi vào. […] Tuy vậy, cụ cũng móc sẵn năm hào. Thà móc sẵn để tống nó

đi cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ cũng phải quát một câu cho nhẹ người:

- Chí Phèo đấy hở? Lè bè vừa vừa chứ, tôi không phải là cái kho.

Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:

- Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?

Hắn trợn mắt, chỉ vào mặt cụ:

- Tao không đến đây xin năm hào.

Thấy hắn toan làm dữ, cụ đành dịu giọng:

- Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.

Hắn vênh cái mặt lên, rất là kiêu ngạo:

- Tao đã bảo tao không đòi tiền.

- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế thì anh cần gì?

Hắn dõng dạc:

- Tao muốn làm người lương thiện.

Bá Kiến cười ha hả:

- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Hắn lắc đầu:

- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên

mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ còn một cách… biết không!...

Chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!

Hắn rút dao ra, xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ

kịp kêu lên một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao

giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đã đang giãy đành đạch ở giữa bao

nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở

cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.

Page 8: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 8 Hotline: 0432 99 98 98

(Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.152-154)

Câu 1. Giới thiệu vài nét về tác giả Nam Cao.

Câu 2. Xác định bi kịch của nhân vật Chí Phèo trong đoạn trích.

Câu 3. Chi tiết hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành thể hiện điều gì?

Câu 4. Vì sao ban đầu Chí Phèo nghĩ rằng phải đến nhà thị Nở, để đâm chết cả nhà nó, đâm

chết cái con khọm già nhà nó nhưng bước chân Chí lại đến ngõ nhà cụ bá? Theo anh/chị cái gì đã

làm hắn quên rẽ vào nhà thị Nở?

Câu 5. Những câu nói cuối cùng của Chí Phèo được diễn đạt bằng những hình thức câu văn

nào? Phân tích ý nghĩa biểu cảm của những lời nói đó.

Câu 6. Vì sao sau khi giết bá Kiến, Chí Phèo lại tự vẫn? Câu chuyện của nhà văn có thể kết

thúc theo cách khác được không? Nêu ý nghĩa hành động giết bá Kiến của Chí Phèo.

Câu 7. Anh/Chị thử phán đoán xem Chí Phèo muốn nói điều gì khi mồm […] ngáp ngáp,

muốn nói, nhưng không ra tiếng?

Câu 8. Nêu cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa cái chết của Chí Phèo.

ĐỀ 3. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Đêm hôm

nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ

ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược...

Chao ôi! Buồn biết mấy?... Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về

nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm

bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá... À, thì ra ông phải đi

nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì Dần phải đi lấy chồng, Dần đi lấy chồng,

không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái cho ông nữa... Ông buồn quá. Ông đáp lại những

câu rất dài dòng của bà thông gia bằng những câu ngắn ngủn. Bà thông gia, trái lại nhiều lời lắm.

Bà vui vẻ. Bà nói luôn. Bởi tài ăn nói của người ta, một đời mới có dịp dùng đến độ vài lần. Bà thì

chỉ một lần thôi, bởi vì bà có mỗi một mống con trai. Lấy một con vợ cho con, có dễ đâu? Nhất là

mình lại không có nhiều tiền. Công việc phải qua mấy mươi nấc, mấy mươi cầu. Chưa cưới được

vợ về cho con, thì còn là đi lại mỏi chân, van ông lạy bà sái hàm răng... Công việc của bà, mười

phần xong đến chín phần rồi. Còn một tí chút nữa mà thôi. Tội gì không ngọt ngào với người ta

cho yên ổn cả? Người ta gả con gái, đã chẳng được gì thì cũng phải được lời nói mát lòng, mát

ruột cho hả dạ...

Đến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai. Ông bố vợ đã tưởng

không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông không đi, thì hai đứa bé cũng không thể đi

mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không chịu nốt. Ông đành

kéo mấy cành rào lấp ngõ rồi đi vậy.

Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử lại chính bà khoác cái áo ấy

trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa là một cái quần sồng cộc xẫng và đụp những

miếng vá thật to, một cái áo cánh nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá,

đã xé cụt gần đến nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần.

Page 9: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 9 Hotline: 0432 99 98 98

Còn thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình

xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...

(Nam Cao, Một đám cưới)

Câu 1. Nêu các ý chính của đoạn trích.

Câu 2. Nhận xét về ngôn ngữ trần thuật trong đoạn văn in đậm.

Câu 3. Vì sao trong ngày vui của con gái, ông bố Dần lại buồn đến thế?

Câu 4. Đám rước dâu có gì đặc biệt? Nêu cảm nhận của anh/chị về hình ảnh Cả bọn đi lủi thủi

trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...

Câu 5. Trong đám cưới của mình, cũng như bao cô dâu khác, Dần cũng khóc. Nhưng lí do

khiến Dần khóc là gì?

Câu 6. Nêu cảm nhận của anh/chị về tình cảnh của cha con cái Dần trong đoạn trích.

ĐỀ 4. Đọc hai đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

(1) Nhưng những buổi tối có trăng thì dù chẳng có ai, Điền cũng khuân đủ bốn cái ghế ra sân.

Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Điền

dùng làm gác chân. Họ ngồi ghế, đợi trăng lên. Nếu con nhỏ không khóc, con lớn không bắt gãi thì

hạnh phúc thật hoàn toàn. Gió thổi tan những lo lắng, chua cay nhất ở lòng. Ánh trăng êm xoa

nước mát lên da. Da mềm dịu. Những nét cau có chìm đi tất cả. Trán vợ Điền hóa ra phẳng phiu,

mặt thị tươi hẳn. Thị trẻ ra đến mười tuổi. Những phút thảnh thơi ấy, sao mà thị hiền dịu thế! đáng

yêu đến thế! Điền không nhận ra một chút gì ở thị nó có dính dáng đến người đàn bà cau có vẫn

ngoác mồm ra mắng con, mắng con ở, mắng mèo, mắng chó khiến nhà cứ om lên suốt ngày. Thị

cúi xuống đứa con nhỏ, đồng thời ngước đôi mắt âu yếm nhìn con lớn. Đứa con lớn cười với thị.

Thị cười với nó. Thị cười với chồng. Điền nhìn vợ, nhìn con, lòng sung sướng. Điền mỉm cười với

trăng.

Điền rất yêu trăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Điền đẫm văn thơ. [...]

Tối nay lại có trăng. Nhưng Điền chỉ đem có hai cái ghế ra sân. Vợ Điền hôm nay luật quật

suốt cả ngày. Con ở xin đi ăn giỗ một hôm. Thị lại phải dệt mải lấy tấm vải để mai đi bán về đưa

lãi nợ. Dệt xong thị vội vàng đi đòi món tiền. Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem

luốc, mũi dài nghếch ngoác bôi đầy mặt. Nhà cửa còn bề bộn. Con ở vẫn chưa về. Mình thị biết

xoay xở làm sao kịp? Thị thấy lòng sôi lên sùng sục, thị giậm chân bành bạch kêu trời. Thị đánh

con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, và càu nhàu trống không. Rồi thị bế con đi

nằm sớm. Đứa con lớn thút thít khóc chán cũng lăn ra ngủ. Mình Điền ngồi ngoài sân. Điền cố

thản nhiên. Nhưng da mặt cứ rồm rộm: nó có vẻ dày lên và tê tê. Điền thấy gần như tủi cực. [...]

Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội

lên mạnh mẽ, chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh

trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội

lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh. Điền cứ đứng

trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy, tất cả những vang động của đời...

... Sáng hôm sau, Điền ngồi viết, giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ

ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.

Page 10: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 10 Hotline: 0432 99 98 98

(Nam Cao, Trăng sáng)

(2) Nhưng Hộ chỉ sung sướng được ít lâu thôi. Sau cái hành vi đẹp của hắn, và cái hành vi ấy

được trả công bằng một tình yêu rất êm đềm, hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi

được gia đình. Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn,

hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng

bấy giờ hắn chỉ có một mình. Đói rét không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng. Lòng

hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ

lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và

suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì

đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác

cùng ra một thời... Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải

chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn

ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lí, nhưng không thể không

nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn

phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn

sách hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng

mình như một thằng khốn nạn... Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là

một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một

sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.

(Nam Cao, Đời thừa)

Câu 1. Nêu đề tài, chủ đề của các đoạn trích.

Câu 2. Các nhân vật Điền, Hộ trong hai đoạn trích là những ai? Nam Cao phát hiện ra điều gì

cốt yếu trong cuộc đời của các nhân vật này?

Câu 3. Viết về Điền và Hộ, Nam Cao thể hiện những tình cảm, thái độ gì?

Câu 4. Tìm trong các đoạn trích những câu văn đậm chất triết lí và cho biết, trong mỗi lời văn

đó, Nam Cao triết lí về điều gì?

Câu 5. Chỉ ra quan điểm nghệ thuật của Nam Cao được thể hiện trong các đoạn trích trên.

Câu 6. Nêu suy nghĩ của anh/chị về cuộc đời, số phận của các nhân vật Điền, Hộ.

II. LÀM VĂN

ĐỀ 1. Phân tích một nét phong cách nghệ thuật của ngòi bút Nam Cao trong truyện ngắn Chí

Phèo.

ĐỀ 2. Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao để thấy

được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm.

ĐỀ 3. Phân tích nhân vật Chí Phèo trong đoạn trích dưới đây:

Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời đã lên cao, và nắng bên ngoài chắc là rực

rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn mới chỉ hơi lờ mờ. Ở

đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo

nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.

Page 11: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 11 Hotline: 0432 99 98 98

Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như

những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay

không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên

một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ

quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những

tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!

- Vải hôm nay bán mấy?

- Kém ba xu, dì ạ!

- Thế thì còn ăn thua gì!

- Có khéo co mới được một tấm năm xu.

- Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại đi chơi…

Chí Phèo đoán chắc rằng một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định

về. Hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có

một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại

bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.

Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được?

Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dẫu sao, đó không phải là tuổi mà người ta

mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết

bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu

báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa

đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô

độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau. […]

Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này

là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì.

Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói

mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên.

Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn.

Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục

hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông

vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời

không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ

hắn mới nếm mùi vị cháo?

Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời: Có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời

hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Hắn nhớ đến “bà ba”, cái con quỉ cái

hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu

hắn đâu. Hồi ấy hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác

thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân!

Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ. […] Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì. Không,

hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả, vì thế mà bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ

nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù? […]

Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở

đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy

Page 12: BÀI 29 - moon.vn filekhi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, thì người ta liền nhận ra rằng, đây mới là hiện thân đầy

Khóa LUYỆN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 - GV: Vũ Thị Dung Facebook: DungVuThi.HY

Moon.vn - Học để khẳng định mình 12 Hotline: 0432 99 98 98

rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân

thiện của những người lương thiện.

(Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.149-151)

ĐỀ 4. Nhận xét về tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, có ý kiến cho rằng: Tác phẩm tố

cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo đã cướp đi cả nhân hình và nhân tính của người

nông dân lương thiện. Ý kiến khác lại nhấn mạnh: Truyện khẳng định bản chất tốt đẹp của con

người ngay cả khi tưởng như họ đã bị biến thành quỉ dữ.

Từ hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, anh/chị hãy làm

trình bày suy nghĩ của mình về các ý kiến trên.

ĐỀ 5. Phân tích một nét đặc sắc nghệ thuật của Nam Cao trong truyện ngắn Chí Phèo.

ĐỀ 6. Từ chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao), hãy viết bài văn nghị

luận (khoảng 600 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của thứ “lòng tốt bình

thường” trong cuộc đời.

ĐỀ 7. Từ câu chuyện về sự thức tỉnh của nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo - Nam Cao), hãy viết

bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về sức mạnh của tình yêu thương con người.

Giáo viên Vũ Dung

Nguồn: Moon.vn