cảm ơn chị tịnh nguyên về bài ký sự. · úng là giấc mơ đã thành sự thật....

30
Cảm ơn chị Tịnh Nguyên về bài ký sự. Không phải chị đang viết văn mà là thực sự chị đang vẽ một bức tranh tuyệt đẹp về Đất Phật. Tôi chưa được may mắn chiêm ngưỡng tận mắt các chứng tích của Phật Thích Ca, nhưng qua từng nét vẽ của chị tôi thực sự xúc động thấy từng hình ảnh như đang hiện ra sinh động trước mắt mình. Từng Thánh Tích một trôi qua như một khúc phim chiếu trên màn ảnh, kèm theo lời thuyết minh cùng với những cảm nghĩ xuất phát từ đáy lòng, tất cả quyện lại với nhau khiến đọc giả dễ dàng đồng cảm, và xa hơn nữa là đồng hành cùng với chị để về Đất Phật cho dù chưa một lần đặt chân đến đó. Đây là một bài ký sự rất thành công. Có nhiều điều mới mẻ tôi đã nhận ra được trong bài viết này: - Sự cơ cực nghèo nàn của người dân Ấn Độ rỏ ràng không phải là do một đấng Thần Linh nào giáng họa, mà đó chính là bằng chứng hiển nhiên của nghiệp quả đã đề cập trong nhà Phật. - Viết về sông Hằng. Con sông như ngút ngàn bóng tối, tương phản với hai bên bờ tràn ngập ánh hoa đăng. Sự tương phản như giữa sự sống và cái chết, biên giới chỉ là mong manh như đường ranh cúa mép nước, bước qua mép nước là cái chết; như một tiếng thở hắt ra là chấm dứt một đời người … Một sự so sánh tuyệt đẹp. Những người đã từng đi thăm vùng đất Thánh Địa, thường kể cho nhau nghe về sự cảm ứng linh thiêng từ vùng đất Phật, sẽ làm thăng hoa cuộc sống tâm linh sau khi các vị ấy trở về. Phải chăng chị Tịnh Nguyên là một trường hợp ? Chị đã từng mong là sẽ có được một lần thứ 2 hành hương, tôi chúc chị sẽ đầy đủ cơ duyên để toại nguyện. Sacramento Tháng 2, 2019 Huyền Lâm

Upload: others

Post on 30-Aug-2019

1 views

Category:

Documents


0 download

TRANSCRIPT

Cảm ơn chị Tịnh Nguyên về bài ký sự.

Không phải chị đang viết văn mà là thực sự chị đang vẽ một bức tranh tuyệt đẹp

về Đất Phật. Tôi chưa được may mắn chiêm ngưỡng tận mắt các chứng tích

của Phật Thích Ca, nhưng qua từng nét vẽ của chị tôi thực sự xúc động thấy

từng hình ảnh như đang hiện ra sinh động trước mắt mình. Từng Thánh Tích

một trôi qua như một khúc phim chiếu trên màn ảnh, kèm theo lời thuyết minh

cùng với những cảm nghĩ xuất phát từ đáy lòng, tất cả quyện lại với nhau khiến

đọc giả dễ dàng đồng cảm, và xa hơn nữa là đồng hành cùng với chị để về Đất

Phật cho dù chưa một lần đặt chân đến đó.

Đây là một bài ký sự rất thành công.

Có nhiều điều mới mẻ tôi đã nhận ra được trong bài viết này:

- Sự cơ cực nghèo nàn của người dân Ấn Độ rỏ ràng không phải là do

một đấng Thần Linh nào giáng họa, mà đó chính là bằng chứng hiển

nhiên của nghiệp quả đã đề cập trong nhà Phật.

- Viết về sông Hằng. Con sông như ngút ngàn bóng tối, tương phản với

hai bên bờ tràn ngập ánh hoa đăng. Sự tương phản như giữa sự sống và

cái chết, biên giới chỉ là mong manh như đường ranh cúa mép nước,

bước qua mép nước là cái chết; như một tiếng thở hắt ra là chấm dứt một

đời người … Một sự so sánh tuyệt đẹp.

Những người đã từng đi thăm vùng đất Thánh Địa, thường kể cho nhau nghe

về sự cảm ứng linh thiêng từ vùng đất Phật, sẽ làm thăng hoa cuộc sống tâm

linh sau khi các vị ấy trở về. Phải chăng chị Tịnh Nguyên là một trường hợp ?

Chị đã từng mong là sẽ có được một lần thứ 2 hành hương, tôi chúc chị sẽ đầy

đủ cơ duyên để toại nguyện.

Sacramento Tháng 2, 2019

Huyền Lâm

Ký Sự Chuyến Hành Hương

Về Đất Phật

Tháng 11 Năm 2018

úng là giấc mơ đã thành sự thật. Không riêng gì cá nhân tôi, hầu như các Phật tử

nào cũng đều có chung ước nguyện “về thăm đất Phật”.

Đoàn Sacramento gồm 9 người, khởi hành từ San Francisco và sau đó gặp tất cả 34 thiền

sinh từ các đoàn khác tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, do Ni sư Thích Nữ Triệt Như

hướng dẫn.

Trải qua 14 ngày trong chuyến hành hương Ấn Độ, thấy những cảnh nghèo nàn, khổ đau

của đất nước này, nghiệm thêm lời nói đầu tiên của Ni sư: “Chuyến hành hương này là

bài pháp thực tế nhất mà các thiền sinh tự nhận thức, suy nghĩ không do một thầy, cô hay

một ai truyền đạt lại”.

Để rồi tôi tự nghĩ: nếu nói con người do một đấng thần linh hay một đấng cứu rỗi nào tạo

nên thì quả thật là bất công.

Vì vậy, chúng ta mới biết chữ “nghiệp” trong Phật giáo (duyên nghiệp trùng trùng).

Chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay, có kiếp này là do nhân quả, do duyên nghiệp nhiều

đời nhiều kiếp huân tập lại mà thành. Giá trị nhân bản của Phật Giáo chính là con người

phải tự mình gánh lấy trách nhiệm và hậu quả của thân, tâm, ý nghiệp do mình gây ra.

Nhưng ngược lại, Ấn độ giáo cho rằng con người được đấng thần linh tạo ra, đặt để một

vị trí, thẫm định từ một quyền lực của đấng tối cao, con người phải chấp nhận, tôn giáo

của giai cấp từ thời Đức Phật cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại, Cũng vì vậy mà đạo Phật

của công bằng và nhân bản không được phát triển trên đất nuớc này.

Đ

Đất nước ta vào thời phong kiến, thi hào Nguyễn Du cũng từng viết về thân phận con

người trong truyện Kiều:

“ Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới đươc phần thanh cao”.

Đến New Delhi vào chiều Chủ nhật, đoàn được hướng dẫn viên ngưới Ấn Độ đón tiếp và

đưa về khách sạn. Chỉ vỏn vẹn hơn nửa tiếng, chúng tôi đã chứng kiến tài lái xe “lạng

lách tài tình” của bác tài trong giờ cao điểm, kèm theo những tiếng í é sợ hãi, lẩn tiếng

cười thích thú của anh chị em trong xe.

Sáng hôm sau, dùng điểm tâm xong (suốt 14 ngày hành hương, chúng tôi đều có 3 buổi

ăn ở khách sạn mà chúng tôi ngụ lại qua đêm), theo lịch trình chúng tôi sẽ viếng thăm đài

kỷ niệm thánh Gandhi, India gate (đài tưởng niệm các chiến sỉ đã hy sinh) , lăng mộ Taj

Mahal và bảo tàng viện có chứa Xá lợi Phật. Nhưng vì rơi vào ngày thứ hai, bảo tàng

viện đóng cửa nên thay vào đó chúng tôi được viếng khu chợ mua sắm.

Đài tưởng niệm thánh Gandhi nằm trong thành phố New Delhi, môt khuôn viên rộng lớn

có 4 cửa vào tham quan. Một vị thánh đã dành lại độc lập cho đất nước Ấn Độ vậy mà chỉ

vỏn vẹn một ngôi mộ đuợc bao quanh bởi những thảm cỏ xanh mướt được chăm sóc kỷ

càng và một bức tượng nhỏ khiêm nhường ở cổng chánh . Thế thôi!

Ghé qua India gate đài tưởng niệm anh hùng tử sĩ, một kiến trúc đươc xây dựng giống

như khải hoàn môn của Pháp. Dưới chân đài có trồng nhiều hoa và những chậu hoa bài trí

rải rác chung quanh khuôn viên gọi là có sắc màu để du khách chụp hình. Nếu viếng vào

ngày lễ có nhiều lính mang quân phục đứng gác

Bù vào thời gian viếng thăm bảo tàng viện đóng cửa, chúng tôi được hướng dẫn đến khu

chợ mua sắm mà hầu như khách du lịch từ các nước như Việt Nam, Tích Lan, Thái Lan

và người phương Tây. Các mặt hàng nơi này ngoài quần áo, khăn choàng, những thứ

khác đều liên quan tới Phật giáo như chuổi hạt, tượng Phật chuông mõ… Chúng tôi rất

thích thú với cảnh sinh hoạt buôn bán và màu sắc, hàng hoá phong phú nơi này.

Ngày tiếp theo chúng tôi đươc viếng thăm lăng mộ Taj Mahal, một lâu đài xây dựng toàn

bắng đá cẩm thạch trắng chạm trổ tinh vi. Lăng mộ chánh gồm có 2 ngôi mộ của vua và

hoàng hậu. Bao quanh là một thành quách rộng lớn. Đứng phía sau lăng mộ, từ thành

quách trên cao nhìn xuống có một dòng sông êm đềm lặng lẽ trôi, chạy dài, suốt theo lăng

mộ thật thơ mộng. Công trình kiến trúc rất là nguy nga, tráng lệ,rất là mỹ thuật, suốt 22

năm mới hoàn thành, nhưng để đạt được thành tích này, phía thống trị đã đem đến bao

nhiêu thống khổ cho dân chúng dưới ách quyền lực của vua chúa thời xưa.

Phải nhìn nhận đây là một công trình, một kiệt tác kiến trúc nổi tiếng của nhân loại

nhưng để đánh giá là một biểu tượng cho một tình yêu bất tử, vĩnh cữu hay cho là một

thiên tình sử thì quả thật trái ngược với nguyên lý vô thường của đạo Phật.

Hai ngày có thể không đủ để nhận xét vế thành phố này nhưng cảm nhận của riêng tôi là

thành phố New Delhi bị thu hẹp lại, không có trời cao, đất không rộng. Trời không cao vì

chẳng thấy trời cao mây trắng, chẳng thấy những đám mây trôi bềnh bồng thay vào đó

chỉ là một bầu trời vẫn đục,u ám, không khí đầy khói bụi gây cho du khách khó thở hơn.

Đất không rộng vì những công trình trên dường phố, xa lộ, ngổn ngang dang dở, nhà cửa

có lối kiến trúc giống như chưa đươc hoàn tất, phố xá thiếu vệ sinh, có nhiều ụ rác hai

bên đường ... làm tôi và vài anh chị em trong đoàn chia sẻ ý tưởng, thành phố này giống

như mới trải qua một cưộc chiến.

Thành phố không có màu xanh của lá, sắc màu của hoa, dù rằng thành phố có trồng

nhiều cây xanh, từng lớp bui chồng chất làm hoa và lá trở thành một màu xám xịt. Đến

lúc, một trận mưa rào không biết có đủ gột rửa cho lá hoa trở về màu sắc, cho đường phố,

cho con người ở đất nước này cảm nhận sắc màu của mùa xuân?

Nếu thấy được sắc màu trên đất nước này chỉ qua những bộ sari của người phụ nữ Ấn

Độ, nhưng tiếc thay nó lại không tự do tung bay phất phới khắp nơi, mà lại bị chôn chặt

trong luật lệ, phong tục, tập quán của xã hội và tôn giáo.

Cho nên chúng tôi thường thấy bất cứ sinh hoạt, dịch vụ, buôn bán lớn nhỏ hầu hết do

nam giới đảm trách.

Số ngày còn lại chúng tôi trải qua hàng trăm cây số để viếng các thánh tích của Phật

giáo. Xuyên qua biên giới Nepal đến thánh tích đầu tiên trong bốn thánh tích quan trọng

nhất: Lâm Tì Ni, nơi Phật đản sanh.

Sáng sớm tinh mơ chúng tôi đã có mặt ở khuôn viên Lâm Tì Ni và thực hành thiền dưới

tàng cây lớn. Hạnh phúc biết bao trong những giờ phút nơi này, để thấy những chứng tích

thật sự, những hàng chử ghi trên trụ đá vua A dục có thể xem như một bản khai sinh của

thái tử Tất Đạt Đa. Trong đền thờ hoàng hậu Maya thấy bước chân của thái tử mới chào

đời được trân trọng gìn giữ mặc dù chỉ là những dấu tích cũ kỷ rêu phong nhưng cũng đủ

ấm lòng ngưới con Phật khi viếng thăm nơi này.

Được thấy những cành vô ưu đong đưa trước gió mà tích xưa chép lại, hoàng hâu đã hạ

sanh thái tử Tất Đạt Đa khi vừa với tay vịn vào. Chúng tôi đi vòng quanh ngắm nhìn

phong cảnh để được thấy hồ nước trong xanh mà theo sử liệu thì thái tử và hoàng hậu đã

tắm gội nơi này. Còn diễm phúc nào hơn khi tất cả đã được thấy sự thật nơi chốn của một

đấng giác ngộ ra đời, một nhân vật lịch sử có thật mà toàn thế giới đã khâm phục và kính

trọng...

Còn niềm xót xa nào hơn khi chúng tôi đặt chân đến Ca Tỳ La Vệ, nơi quê hương của

đức Phật cách xa Lâm Tì Ni 17 km, nơi mà trước kia là một vương quốc trù phú nay trở

thành hoang phế. Nơi đây thái tử Tất Đạt Đa đã sống trong nhung lụa, giàu sang phú quí,

hạnh phúc bên cạnh người thân, cha mẹ, họ hàng, vợ con, giờ đây chỉ còn là một mảnh

đất hoang tàn bao quanh bởi 4 bức tường, những nền gạch phế tích rêu phong theo năm

tháng, làm chạnh lòng:

“ Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Được sự hướng dẫn cũa hướng dẫn viên, chúng tôi ra khỏi cánh cửa rào, theo sử liệu là

cổng thành phía Đông mà ngày xưa thái tử đã trốn ra ngoại thành cùng với Xa Nặc để

thấy sự thật về cái già, cái khổ và sự chết chóc của con người nên ngài đã quyết định từ

bỏ tất cả để tìm đường giải thoát.

Dọc theo bờ tường, cổng thành, một con đường dẫn vào làng quê với những thửa ruộng

chín vàng chờ gặt, những con trâu đang gặm rạ khô bên mái nhà tranh vách đất, những

tiếng cười của những đứa trẻ nhà quê thân thiện chạy theo nắm chặt bàn tay của chúng

tôi. Vài cây số vào làng chúng tôi thấy hai ngôi mộ, một lớn một nhỏ được cho là của vua

Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Hàng ngàn năm đi qua nhưng hình ảnh của quê hương

đức Phật vẫn hiện hữu trên một miền đất tràn ngập bao nhiêu điều kỳ bí, huyền diệu ,

hình ảnh vẫn còn đây, giống y như cũ.

Có những thánh tích đem đến cho chúng tôi những hạnh phúc an lạc thì cũng có những

thánh tích làm chúng tôi bùi ngùi xót xa. Nếu như Lâm Tì Ni , nơi nhân thiên và muôn

vật reo vui đón mừng ngày đản sinh của đức Phật thì Kushinagara là nơi trời và muôn vật

rơi lệ, u buồn tiễn đưa Đức Từ Phụ. Cảnh trí nơi đây đã đươc trùng tu lại, hai cây sa la

song thọ vẫn đứng thẳng dưới nền cỏ xanh mướt, cũng màu xanh đó đã làm rỏ thêm nền

gạch di tích cũ được xây dựng hàng ngàn năm qua. Một ngôi chùa Niết Bàn có nét kiến

trúc như một hình trụ to lớn không có dáng dấp của một ngôi chùa thuần tuý cổ truyền

thường thấy ở Á Đông, phía sau chánh điện là một chánh điện to lớn thờ Xá Lợi Phật

(sau khi trà ti phân chia Xá Lơi ) của bộ tộc Mallas. Đoàn chúng tôi vào bên trong chánh

điện và thiền hành chung quanh tượng đức Phật nhập diệt nhiều vòng. Pho tượng đức

Phật nhập diệt dài hơn 10 m được đặt trên bệ cao hình chữ nhật, nằm trong tư thế kiết

tường, mặt hướng ra cửa chánh phía nam, đầu quay về hướng bắc như đang ngủ. Trên

tường chung quanh có vài hình ảnh điêu khắc ghi lại một vài tình tiết khi Phật nhập diệt.

Tôi thực sự xúc động với cảnh trí nơi đây hai cây song thọ mà ngày nào hoa đã rơi phủ

đầy nhục thân của một bậc giác ngộ duới sư chi phối của qui luật vô thường.

Đến Lộc Uyển còn gọi là Vườn Nai khi xưa nơi này muôn thú tụ tập, nhiều nhất là nai

nên được gọi là vườn nai, sau nhiều lần trùng tu cho khách hành hương đến viếng thăm.

Nai không còn nhiều nhưng những di tích xưa cũ dù tháng năm bào mòn vẫn còn hiển

hiện nơi đây, tháp Dhamex sừng sững oai nghi, nơi mà đức Phật đến đây để giảng bài

pháp chuyển luân đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như được đắc quả A La Hán. Từ đó

đã khai sáng cho nền giáo lý của đạo Phật. Lời của đức Phật từ bi đã trãi qua hơn hai

ngàn năm mà vẫn có giá trị tồn tại đến ngày nay.

Có những thánh tích gây nhiều cảm xúc, bồi hồi thương cảm thì ngươc lại Bồ Đề Đạo

Tràng, nơi Đức Phật thành đạo gây cho tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sáng

sớm tinh mơ đoàn chúng tôi đã có mặt trong số hàng ngàn người đang chờ đợi ở cổng

vào, hàng rào che chắn, những thiết bị bảo vệ an toàn kiểm soát an ninh giống như tại phi

trường gây cho tôi cảm giác ngạc nhiên đầu tiên

Sư cô đã hướng dẩn chúng tôi Thiền trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng ngày đầu tiên và

đoàn chúng tôi có 3 ngày nơi đây, nên có nhiều anh chị em đã dành trọn thời gian những

buổi Thiền nơi này thay vì đi thăm viếng những ngôi chùa của các nước ở ngoại ô Bồ Đề

Đạo Tràng.

Khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng rất rộng lớn được bao bọc bởi tường cao bốn phía. Vào

cổng chánh chúng ta sẽ nhận ra một bảo tháp lớn có tên gọi là chùa Bồ Đề. Vì tháp ở sâu

hơn mặt đất nên khuôn viên này có xây nhiểu tầng tam cấp chung quanh để chúng ta đi

quanh chiêm ngưỡng những di tích. Chùa Bồ Đề được xem là toà tháp chánh trong khuôn

viên này, kiến trúc như kim tự tháp vuông vức màu trắng thanh nhã thẳng đứng ở 4 góc

có 4 tháp nhỏ được điêu khắc nhiều hình tượng Phật và nhiều vị Bồ Tát. Tượng Bồ tát

Quan Thế Âm bên phải của đại tháp được khách hành hương tham bái và lễ lạy, lối kiến

trúc tháp theo truyền thống Miến Điện vì tháp được trùng tu bởi Phật tử Miến Điện. Bên

trong chánh điện là một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền được tạc từ thế kỷ

thứ 10 Tây Lịch.(Điều đặc biệt là bức tượng này được thay Y liên tục do các đoàn hành

hương dâng y cúng dường và sau đó du khách hành hương được thỉnh y lại)

Sau bảo tháp là cây Bồ Đề tàng rộng vươn cao lá xanh mướt vào tháng 11 lúc chúng tôi

đang hành hương, nơi đây thái tử đã tham thiền trong 49 ngày và chứng đạo. Có thể nói

rằng cây Bồ Đề là chứng tích của sự thành đạo của Đức Phật.

Ngoài ra còn có di tích tháp Kim Cương, nơi đức Phật sau khi thành đạo đã dành 1 tuần

ngồi nhìn ngắm lại cây bồ đề tỏ lòng biết ơn sự che chở của cây trong suốt thời gian 49

ngày tham thiền.

Trụ đá của vua A Dục còn lưu lại ghi dấu rõ ràng chứng tích của hơn hai ngàn năm trước.

Một hồ nước trong xanh có một tượng Phật đang toạ thiền với rắn thần che bên trên

tượng Phật. Truyền thuyết cho rằng rắn thần che chắn, bảo vệ đức Phật được an toàn

trong thời gian nhập định trong cơn mưa to gió lớn

Bên ngoài khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng giống như một hội chợ, đèn đuốc trang hoàn

sáng rực khi về đêm, đường phố tấp nập ồn ào, những dịch vụ, hàng quán, khách sạn, đều

phục vụ cho du khách hành hương khiến cho tôi có cảm tưởng như nơi đây là một trung

tâm du lịch, một thắng cảnh nổi tiếng hơn là một thánh tích tâm linh. Ngoại thành Bồ Đề

Đạo Tràng ngày nay cũng có nhiều chùa được xây dựng từ nhiều cộng đồng Phật Giáo

Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Miến Điện, Tây Tạng, Bhutan, Nhật Bản v,,v..Bồ Đề

Đạo Tràng vẫn là một địa danh nổi tiếng, là nơi linh thiêng nhất của Phật Giáo. Một nơi

đem đến sự bình yên, hạnh phúc, an lạc như được trở "về nhà", trở về nội tâm và tỉnh

thức cho bất cứ ai đến viếng nơi này

Ngoài 4 thánh tích quan trọng chúng tôi cũng dừng chân tại Đại học Nalanda của một

thời xa xưa lúc Phật giáo còn phồn thịnh. Sự xúc động dâng trào khi nhin thấy cảnh tang

thương biến đổi của một trung tâm giáo dục đồ sộ huy hoàng, một nền văn hoá cao độ

ngày xưa dưới sự huỷ hoại của thế lực vô minh tàn bạo. Đó đây còn lập loè mùi lửa khói

của từ muôn kinh vạn quyển của đại thư viện kéo dài suốt cả nhiều tháng trường mới dứt.

Đây là bục giảng của giảng sư, kia là phòng ốc cho tu sinh từ khắp miền thế giới về đây

tu học, này là giếng nước sinh hoạt hằng ngày. Tất cả hình ảnh xưa cũ hiện về, phô bày

ẩn hiện trước mắt tôi. Không một chống cự nào, không một phản kháng tự vệ chánh đáng

nào. Nền đạo học của từ bi, của trí huệ, đạo cho vui cứu khổ đó sao bị oan ương nghiệt

ngã đến nổi như vậy! Một sự huỷ hoại của ngàn xưa cho đến ngàn sau chưa thể phục hồi,

chưa thể phục hoạt!

Đoàn tiếp tục di chuyển đến núi Linh Thứu, biểu tượng của 40 năm hoằng hoá của đức

Phật, cách xa Đại học Nalanda khoảng 10 km. Núi không cao lắm có thể đi bộ lên đỉnh

trong vòng 30 phút nhờ con đường lát đá khang trang dễ đi. Nhưng một số khách hành

hương vì tuổi tác và bệnh tật vẫn cần sự "trợ duyên" của 2 người dân Ấn độ khiêng kiệu

để lên đỉnh. Trên đỉnh núi Linh Thứu có phiến đá giống hình mỏ của con chim kên kên,

chim này thường thấy ở Ấn Độ, nên đuợc gọi là Linh Thứu. Nơi đây sau khi thành đạo,

Đức Phật đã nhiều lần thuyết giảng tại đây những bài kinh quan trọng, có di tích hương

phòng, nơi Đức Phật trú ngụ trên mặt bằng đỉnh núi và các hang động nơi trú ngụ của 3

vị đệ tử lớn của Đức Phật, ngài Xá Lợi Phất, ngài An Nan và ngài Mục Kiền Liên. Nhiều

người trong chúng tôi đảnh lễ trước hương thất của Đức Phật.. Từ đỉnh phóng tầm mắt

nhìn chung quang thấy quang cảnh thật an bình, màu xanh của núi rừng, màu vàng của

đồng lúa, ngô khoai dưới thấp. Xa xa phía bên trái là hướng có nhà tù nơi vua A Xà Thế

giam giữ vua cha Tần Bà Sa La, nơi vua cha thường ngày từ ngục thất dỏi nhìn về đỉnh

núi Linh Thứu mong được nghe những lới giảng của Đức Phật từ xa. Phía phải hương

thất là một ngôi chùa Nhật màu trắng với hình dáng một tháp tròn cao vút trên một đỉnh

núi xanh lơ. Khách hành hương có thể dễ dàng thăm viếng chùa này bằng đường cáp

treo.. Chúng tôi rất tiếc không có dịp viếng thăm chùa này vì không có trong chương

trình.

Hạnh phúc nào hơn, sung sướng nào hơn khi dừng chân trên đỉnh núi lịch sử này, bốn bề

lộng gió, cảnh vật an bình trong khoảng không gian như bất tận. Tôi đã thật sự trải qua

những giây phút toạ thiền an lạc, mà nơi đây hơn 2500 năm trước đức Phật truyền tâm ấn

cho ngài Ma ha Ca Diếp sau khi ngài mĩm cười qua công án Niêm Hoa Vi Tiếu và tuyên

bố trước đại chúng,” “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô

tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca-diếp”.

Nơi đây cũng là nơi Đức Phật đã từng giảng pháp cho chư thiên

Bồ Đề Đạo Tràng ồn áo náo nhiệt bao nhiêu thì Kỳ Viên tịnh xá khá yên tịnh, vẫn còn

thấy những chú vượn, khỉ đang tha hồ nhảy nhót mà không chút sợ hải khách thập

phương . Nhìn bao quát khuôn viên Kỳ Viên Tịnh xá chúng tôi không làm sao hình dung

nổi số vàng mà ngài Cấp Cô Độc trải để mua lại từ Thái tử Kỳ Đà cúng dường cho Đức

Phật và tăng đoàn

Qua lời miêu tả của ngài Huyền Trang Kỳ Viên tịnh xá còn có một hương thất 7 tầng rất

trang nghiêm và rộng lớn. Đức Phật dừng chân 24 năm nơi đây để hoằng pháp, giảng

kinh, được xem như là một vương quốc Phật Giáo. Nay chỉ còn lại một phế tích, khi tìm

ra các nhà khảo cổ đã cho đặt lại vài viên gạch thành một tháp nhỏ 7 tầng nhầm xác định,

đánh dấu hương thất này, ngày nay khách hành hương trát vàng lên những viên gạch nên

tháp đã trở thành màu vàng óng ánh.

Cách kỳ viên Tịnh xá không xa có 2 tháp Pakk Kati là nơi Đức Phật đã giáo hoá tướng

cướp Vô Não và tiếp theo là một tháp cao hơi cheo leo khi lên đến đỉnh vì có nhiều hố

sâu nhỏ, chúng tôi dừng chân vào sáng sớm, mặt trời vừa lên sau chòm cây trên đỉnh núi

thật là đẹp Kacchi Kati nơi ghi dấu cư ngụ của ngài Cấp cô độc

Nhiều bụi cỏ mọc dọc hai bên đường đến Khổ Hạnh Lâm, được sư cô cho biết có tên là

kusa dịch ra "cát tường"(giống như cây lau sậy) Đức Phật đã dùng làm tọa cụ trong lúc

ngồi Thiền. Chúng tôi lại tiếp tục leo núi, không cao như núi Linh Thứu nhưng vẫn gây

sờn lòng cho vài khách hành hương, dọc theo con đường núi có nhiều khỉ và vượn leo

trèo nhảy nhót. Nơi đây Đức Phật từng tu khổ hạnh trong 6 năm, nhìn bức tượng chỉ còn

bộ xương trong ngôi đền nhỏ, đủ thấy quyết tâm cao độ của một đấng, giác ngộ, giải

thoát.

Lái xe khoảng 30 phút chúng tôi sẽ gặp làng của cô Sujata, với một bức tượng được tạc

rất là dân gian đang cúng dường bát cháo sữa cho Đức Phật khi ngài kiệt sức với 6 năm tu

khổ hạnh, được xem như là 1 trong 2 lần cúng dường ý nghĩa và quan trọng nhất của

cuộc đời Đức Phật. Chúng tôi cũng được viếng thăm vườn xoài nàng Ambapali cúng

dường Đức Phật và nhiều nơi có liên quan đến cuộc đời Đức Phật mà các nhà khảo cổ đã

tìm ra được.

Ngoài những thánh địa Phật Giáo chúng tôi cũng không thể thiếu một di tích lịch sử quan

trọng sông Hằng, con sông linh thiêng của người Ấn Độ. Theo như lịch trình của chuyến

hành hương, đoàn sẽ viếng sông Hằng để ngắm mặt trời mọc tuyệt đẹp vào buổi bình

minh nhưng vì việc di chuyển thay đổi chúng tôi phải viếng thăm sông Hằng vào buổi

chiều hoàng hôn. Nhờ vậy mà chúng tôi không mục kích những những cảnh tượng ghê sợ

và thương cảm về việc thiêu xác trên bờ sông, và hình ảnh giặt giũ, tắm rửa hay những

rác rưới nhếch nhác lênh đênh trên mặt nước

Chúng tôi cũng được xuống thuyền chờ sẳn ở bến sông để đưa chúng tôi theo ven bờ

nhìn thấy “sông Hằng by night”. Nhằm lúc thành phố có ngày lễ hội quan trọng, dọc bờ

sông đèn đuốc giăng mắc sáng choang, chiếc cầu trên sông Hằng xa xa cũng sáng trưng

in hình phản ánh lung linh dưới nước. Con thuyền bập bềnh trên sông, dưới nước là

những ngọn hoa đăng dập dềnh được du khách thả theo dòng nước. Ánh hoa đăng khi tỏ

khi mờ, khi cao khi thấp trôi ngược với hướng thuyền trên sóng nước cho tôi có cảm

tưởng như mình đang thưởng ngoạn trên dòng sông Hương thơ mộng

Nhìn lại con sông như ngút ngàn bóng tối, trên bờ đầy ánh sáng, đủ màu sắc, một hình

ảnh tương phản giữa cái chết và cái sống ngay trong khoảng khắc này. Du khách chỉ còn

chùng lòng và cảm nhận qui luật vô thường của kiếp người. Tôi chợt nhớ lại đến người

bạn đã chia sẻ cảm nghĩ về chuyến hành hương mà anh đã đi trước đây, “ Tìm một bầu

trời cảnh Bụt đích thực nơi đâu? Tôi cũng có dịp đi Ấn Độ, viếng các Phật tich, nhưng tứ

động tâm không để lại tội một dấu ấn nào cả, thế nhưng bóng tối trên sông Hằng lại cho

tôi một ý niệm tròn đầy của thiên nhiên và tánh Phật”.

Ngày chót, chúng tôi bay về lại New Delhi , trong ngày hôm đó đoàn chúng tôi viếng bảo

tàng viện chứa xá lợi Phật Đây là một bảo tàng viện lớn nhất ở thành phố New Delhi , có

gần 200.000 tác phẩm nghệ thuật, cổ xưa nhất có niên đại 5.000 năm. Trưng bày nhiều

tranh ảnh, tượng Phật và Bồ Tát bằng đồng đá, gạch nung của 2 trường phái nổi tiếng

Grandhara và Matura. Điều vui mừng và hạnh phúc biết bao khi Xá lợi Phật được nhà

khảo cổ Anh tìm ra năm 1898 từ 2 bình đá, 1 lớn, 1 nhỏ ghi lại dòng chử của vua Adục

được thỉnh về tôn trí tại đây với khuôn tháp bằng vàng do Phật Giáo Thái Lan cúng

dường. Mặc dù trong không gian ồn ào từ tiếng tụng kinh, của nhiều đoàn viếng thăm

nhưng sư cô đã hướng dẩn chúng tôi một thời Thiền thật an lạc. Hướng về nương tựa

pháp thân xá lợi tức là giáo pháp của Đức Như Lai là con đường tu của chúng ta

Trong suốt cuộc hành trình 14 ngày vừa qua, trên những con đường dài xuyên suốt bao

thành phố lớn nhỏ, làng quê thôn xóm, những đồng ruộng bạt ngàn trơ cuống rạ cuối mùa

gặt vào tháng 11, những cánh đồng trồng chuối, ngô, khoai, người dân nông thôn Ấn Độ

vẫn còn nghèo nhưng đất nước họ thật thanh bình, không chiến tranh, cuộc sống hiền

lành, chân chất với con trâu nhai lại bên đống rơm khô, bên mái nhà rơm trống trải nghèo

nàn, khói lam chiều sau những rặng cây, mái nhà. Những hình ảnh đó làm sống lại trong

tôi hàng mấy chục năm trước ở đất nước tôi cũng hình ảnh ấy, cũng đồng lúa bạt ngàn,

những con đê chạy dài theo thửa ruộng, cũng con trâu, cái bừa, cũng nhà tranh vách đất,

cũng khói lam chiều bay lượn dưới hàng cây, khóm trúc. Hình ảnh ngày xưa đó nó như

một bức tranh đủ màu sắc, như một mầm sống vươn lên với sức sống mảnh liệt mà tôi

cảm nhận đuợc, tôi chứng kiến được. Ngược lại hình ảnh nơi đây, nơi đất nước này, mầm

sống vươn lên chỉ thể hiện bản năng sinh tồn mà thôi không thấy một ánh sáng, một sắc

màu hy vọng ưom mầm hướng về tương lai, do tôi quá chủ quan chăng?

Ngày cuối cùng, ngồi lại chia sẻ cùng với Ni sư, anh chị em trong đoàn đều có cùng ý

nghỉ như nhau, đều có những cảm xúc buồn vui, xót xa, hạnh phúc, thương cảm cho thân

phận con người. Nhưng riêng tôi, tôi nhận ra vị trí của mình, sự có mặt của mình trong

cõi ta bà này quả là do mạng lưới trùng trùng duyên nghiệp.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Sacramento, 31 tháng 01 năm 2019

Tịnh Nguyên, Như Nguyệt( NTN)

P/S: Nguồn hình trong bài viết được trích ra từ Album của đoàn hành hương. Quý

vị có thể tham khảo thêm hình ảnh trong album này theo 5 đường links dưới đây:

https://photos.app.goo.gl/rcdaCepAvLzb4WmP6

https://photos.app.goo.gl/TXM3tQb9WZdcVwWH7

https://photos.app.goo.gl/roFHn2bWC2wv6zmM7

https://photos.app.goo.gl/ZgNrBo9LY4rF7BqY9

https://photos.app.goo.gl/8Q4pxaV5EPea8mmH9